Ngày 15/12/2023 vừa qua, webinar trực tuyến “Bí quyết giúp trung tâm quản lý và đánh giá năng lực giáo viên” do ClassIn Việt Nam phối hợp cùng Vietnam Teaching Job, EIV, Vieclamgiaoduc và Hoskids đã diễn ra thành công tốt đẹp, thu hút sự tham gia của hơn 400 khách tham dự trực tuyến qua nền tảng ClassIn, với nội dung trọng tâm xoay quanh bí quyết thu hút, tuyển dụng và xây dựng được đội ngũ giáo viên giỏi cho các trung tâm giáo dục.
Webinar được tổ chức hoàn toàn miễn phí, dưới sự dẫn dắt của chị Huế Nguyễn – Giám đốc kinh doanh của ClassIn Việt Nam cùng với sự tham gia của các diễn giả khách mời là anh Sơn Phạm – CEO kiêm nhà sáng lập EIV Education, Vietnam Teaching Job & Việc Làm Giáo Dục; chị Hạnh Nguyễn – Nguyên Giám đốc Nhân sự (CPO) Tập đoàn Giáo dục IGC (IGC Group) và chị Giang Lê – Giám đốc Nhân sự (CPO) Tập đoàn Giáo dục IGC (IGC Group).
Webinar đặc biệt phù hợp cho các nhà quản lý, bộ phận nhân sự của các trường học, trung tâm, tổ chức giáo dục, mang đến nhiều cái nhìn thực tiễn về các chiến lược nhân sự khi tuyển dụng và giữ chân các giáo viên tài năng.
Kinh nghiệm tuyển dụng & kiểm soát chất lượng nhân sự đầu vào cho các trung tâm giáo dục: hãy cực kỳ khắt khe!
Bàn về chiến lược nhân sự, có thể nói đây là một trong những chiến lược quan trọng cốt lõi mà đôi khi nhà quản lý giáo dục hay bỏ quên.
Đối với các trung tâm giáo dục, đội ngũ giáo viên giỏi chính là một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất, nền tảng quan trọng để trường học, trung tâm giáo dục xây dựng danh tiếng trên thị trường.
Vì vậy, chiến lược xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng, khai thác đầu vào hiệu quả là một trong những hoạt động cần được hoạch định ngay từ những ngày đầu tiên thành lập.
Các tiêu chí quan trọng nhất cần lưu ý khi tuyển dụng giáo viên, theo diễn giả Hạnh Nguyễn, đó là:
- Trình độ: bao gồm bằng cấp, học vị, kiến thức chuyên môn;
- Kỹ năng: khả năng sử dụng thành thạo các phần mềm công nghệ theo yêu cầu của thời đại, khả năng quản lý cảm xúc: lắng nghe, kiên trì, thấu hiểu, giao tiếp khéo léo, giải quyết vấn đề, truyền đạt kiến thức
- Năng lực: kinh nghiệm và năng lực chuyên môn trong công tác giảng dạy, soạn giảng, ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới và sáng tạo.
Được biết, chị Hạnh Nguyễn hiện đang là giám đốc điều hành của hệ thống các trường mầm non Hoskids, đồng thời là cố vấn quản lý nguồn nhân lực cho các đơn vị giáo dục như Vietnam Teaching Job.
Khi chọn lựa một giáo viên, việc cân nhắc các yêu cầu tối thiểu về bằng cấp như tốt nghiệp đại học sư phạm, có chứng chỉ sư phạm đối với giáo viên từ cấp tiểu học trở lên, hay chứng chỉ cao đẳng trở lên đối với giáo viên mầm non là điều bắt buộc.
Bên cạnh các kỹ năng nói trên, một giáo viên giỏi cũng cần có kỹ năng quản lý thời gian tốt.
Ngoài ra, yêu cầu sử dụng các công cụ công nghệ thông tin để soạn bài, thiết kế các bài kiểm tra qua PowerPoint hay các ứng dụng khác, khả năng truyền tải kiến thức qua nền tảng online lẫn offline cũng là một trong những tiêu chí cần xem xét để phù hợp với xu hướng và yêu cầu chung của thời đại.
“Ngày nay, học sinh từ cấp tiểu học đã có thể học tập, làm bài kiểm tra, chơi game, tương tác thành thạo qua các ứng dụng online, vì vậy, kỹ năng sử dụng thành thạo công nghệ thông tin đã trở thành một điều kiện cần mà các giáo viên cần có”, chị Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Các nhà tuyển dụng cần có những tiêu chí khắt khe ngay từ vòng đầu tiên – vòng loại hồ sơ. “Tôi tin rằng cái thời mà mọi người nghĩ rằng các “Tây ba lô” sang Việt Nam du lịch và có thể dễ dàng trở thành giáo viên tiếng Anh đã qua rồi. Hiện nay, chỉ có những người thực sự nghiêm túc và coi trọng việc giảng dạy mới có thể tồn tại được ở đất nước chúng ta.”, chị Giang Lê nhấn mạnh khi bàn về việc tuyển dụng giáo viên nước ngoài cho các trung tâm ngôn ngữ.
Chị Giang Lê hiện đang là Quản lý tuyển dụng cho EIV Education – đơn vị chuyên đào tạo, cung ứng giáo viên bản ngữ cho các trung tâm tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.
Việc tuyển dụng giáo viên ngày nay trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là sau đại dịch Covid, khiến các nhà tuyển dụng có thể “dễ dãi” hơn đối với các ứng viên. Tuy nhiên theo chị Giang Lê, các trung tâm giáo dục cần cực kỳ khắt khe ngay từ những bước đầu tiên.
“Hãy loại bỏ ngay những ứng viên có Cover letter sơ sài, viết email thiếu nghiêm túc, sai chính tả, không có tiêu đề, hay bcc đến nhiều người nhận. Bởi nếu họ không nghiêm túc với chính cơ hội nghề nghiệp của mình, họ sẽ không thể nào nghiêm túc truyền tải những bài học chất lượng đến với học sinh.”, chị Giang Lê bày tỏ.
Việc đặt câu hỏi cho ứng viên cũng là một “nghệ thuật” mà các nhà tuyển dụng cần nắm bắt để khai thác đúng thông tin về ứng viên. Hãy hạn chế những câu hỏi có thể dẫn đến các câu trả lời ngắn, đúng/ sai, có/không, không đầy đủ thông tin như “cái gì, bao giờ, bao lâu…”. Thay vào đó, nhà tuyển dụng có thể chuyển sang các câu hỏi với keyword như how (như thế nào) hay why (tại sao) – ví dụ như “How you deal with conflicts in the classroom?” (Bạn giải quyết như thế nào nếu trong lớp học xảy ra tranh cãi). Những câu hỏi này sẽ xác định được đúng thái độ, kinh nghiệm cũng như khả năng quản lý lớp học của giáo viên.
Khi xác định sẽ phỏng vấn một ứng viên nào đó, nhà tuyển dụng nên tìm hiểu kỹ về CV, nền tảng, kinh nghiệm, nhận xét về lịch sử làm việc của giáo viên ở những đơn vị trước. Điều này không chỉ giúp nhà tuyển dụng có thể hỏi đúng câu hỏi, đúng trọng tâm, tránh lan man, mà còn xây dựng được hình ảnh chuyên nghiệp, thể hiện sự nghiêm túc của bên tuyển dụng trong mắt ứng viên. Việc xem trước thông tin về ứng viên trên LinkedIn hay các kênh mạng xã hội cũng sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích về ứng viên trước buổi phỏng vấn.
Thêm vào đó, đối với tuyển dụng giáo viên, một buổi demo trước sẽ rất hữu ích để phản ánh chính xác trình độ, kỹ năng giảng dạy của giáo viên. Nhà tuyển dụng có thể yêu cầu trước về buổi demo để ứng viên soạn bài – từ đó thể hiện kỹ năng soạn bài, sắp xếp nội dung, thời lượng bài giảng của ứng viên.
Nhà tuyển dụng cũng nên xây dựng một bộ đo lường các tiêu chí cần thiết để đánh giá giáo viên, thay vì đánh giá một cách cảm tính. Nhà tuyển dụng phải là người nắm rõ nhất mình cần tuyển dụng người như thế nào, có các kỹ năng gì để tỉnh táo và điều hướng buổi phỏng vấn diễn ra hiệu quả.
Việc ứng dụng tâm lý học vào buổi phỏng vấn cũng là một phương pháp hay mà các nhà tuyển dụng có thể thử. Khi đã đánh giá được năng lực, trình độ của ứng viên, hãy hỏi thêm về sở thích, về gia đình, hay thậm chí về quan điểm chính trị. Những yếu tố này sẽ phần lớn nói lên được tính cách của ứng viên để xác định họ có phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp hay không.
Tuyển dụng dưới góc độ quản trị doanh nghiệp
Khi tuyển dụng, bước đầu tiên các nhà quản lý cần làm chính là xác định doanh nghiệp của bạn đang nằm ở đâu. “Tuyển dụng nhân sự ở Đà Nẵng sẽ khác với tuyển dụng nhân sự ở Hà Nội hay Sài Gòn. Ở những nơi tuyển dụng trở nên khó khăn, bạn không thể nhanh chóng tuyển dụng được người giỏi mà cần có thời gian để đào tạo họ có được bộ kỹ năng mà bạn mong muốn”, anh Sơn Phạm chia sẻ.
Anh Sơn là nhà sáng lập EIV education với hơn 14 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. “Đối với góc độ start-up, bạn không thể mời được những người giỏi đầu ngành về với bạn, nếu bạn không cho họ thấy được tiềm năng của doanh nghiệp hay không có chế độ đãi ngộ phù hợp. Việc tuyển dụng những người quá giỏi đôi khi cũng chưa thực sự phù hợp với quy mô của công ty.”
Ở góc độ quản trị, có ba sai lầm mà các nhà tuyển dụng cần tránh, đó là tuyển dụng dư thừa, tuyển dụng thiếu, tuyển dụng không đúng văn hóa.
Các trung tâm cũng cần ưu tiên tuyển dụng những nhân viên chủ chốt rồi từ đó mở rộng quy mô phù hợp, thay vì tuyển dụng tràn lan mà thiếu đi những “key member” – giúp xác định chiến lược nhân sự phù hợp với mục tiêu tăng trưởng của công ty.
Bên cạnh đó, hãy cân nhắc đến văn hóa doanh nghiệp – để doanh nghiệp phát triển, những người đồng hành cùng bạn nên phù hợp với văn hóa của công ty bạn. Đây cũng là lý do vì sao tuyển dụng nội bộ là một trong những kênh tuyển dụng quan trọng để đảm bảo tuyển được đúng người phù hợp với văn hóa công ty.
Đối với cấp độ quản lý, đôi khi nhà tuyển dụng phải đích thân tìm kiếm và “mời chào” để có thể có được những nhà quản lý giỏi. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc đến các kênh tuyển dụng khác phổ biến như mạng xã hội, website… để tiếp cận đến các tệp ứng viên tiềm năng.
Bí quyết triển khai đào tạo nhân sự chất lượng và tối ưu
Tuyển dụng đã khó, làm thế nào để nâng cao chất lượng nhân sự cho trung tâm? Theo chị Hạnh Nguyễn, đào tạo và phát triển nhân sự vô cùng quan trọng giúp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, khả năng của đội ngũ giáo viên; giúp khẳng định được thương hiệu, chất lượng giảng dạy của trung tâm giáo dục, đồng thời giúp xây dựng được đội ngũ kế thừa, chủ chốt cho doanh nghiệp.
Thứ nhất, để triển khai quy trình đào tạo nhân sự trong trung tâm hiệu quả, giám đốc nhân sự cần hiểu rõ được mục tiêu chiến lược của đơn vị, để từ đó xây dựng lộ trình, đối tượng mục đích cần tuyển dụng và đào tạo. Hãy tìm hiểu kỹ về nhu cầu đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng cần có – hãy thảo luận với các chuyên gia đào tạo để phân tích và xây dựng kế hoạch đào tạo hiệu quả, chặt chẽ.
Mỗi giáo viên, đối tượng cần có một lộ trình đào tạo phù hợp qua từng năm dựa trên kinh phí, thời gian, phù hợp với từng mục tiêu cụ thể. Đào tạo có thể thực hiện qua các buổi huấn luyện, hội thảo, chuyên đề tùy vào từng nội dung cụ thể.
Nhà tuyển dụng cũng cần xác định được cách đánh giá năng lực giáo viên để xác định được hiệu quả trước và sau khi đào tạo. Ví dụ, đối với giáo viên mới, việc đào tạo kỹ năng quản lý lớp học, cách vận hành các ứng dụng đang sử dụng tại trung tâm để tổ chức, quản lý lớp học, phương pháp giáo dục chung của trung tâm luôn là những yêu cầu tiên quyết.
Đối với giáo viên cũ, bên cạnh việc tái đào tạo, giáo viên cần được đào tạo chuyên sâu hơn về kỹ năng và nghiệp vụ, đặc biệt là kỹ năng quản lý, kỹ năng mềm bên cạnh các kiến thức chuyên môn.
“Hãy đầu tư để xây dựng được đội ngũ giáo viên cốt cán, kế thừa và khẳng định được chất lượng đào tạo của trung tâm.”, chị Hạnh Nguyễn nhấn mạnh. Nhìn chung, hầu hết các giáo viên đều gặp trở ngại ở ba khó khăn thường thấy nhất: trở ngại khi giảng dạy lớp học có nhiều học sinh ở nhiều trình độ khác nhau; trở ngại khi sử dụng những công cụ công nghệ, thao tác với PowerPoint, Canva để soạn bài trong quá trình giảng dạy; và triển khai các ý tưởng giảng dạy, thiết kế các hoạt động tương tác để học sinh cảm thấy hứng thú hơn khi học tập.
Doanh nghiệp cần chú trọng đào sâu và lên các chương trình đào tạo phù hợp để giúp giáo viên khắc phục được các trở ngại này theo nhiều hình thức khác nhau như các buổi huấn luyện, demo, chia sẻ giữa các giáo viên với nhau.
Đối với khía cạnh đánh giá giáo viên, bên cạnh trình độ chuyên môn, nhà quản lý cũng có thể nhìn vào công tác chuẩn bị bài giảng, bao gồm giáo trình hay PowerPoint giảng dạy, hay tác phong, kỹ năng giảng dạy như những tiêu chí để phân loại và đánh giá giáo viên của trung tâm. Một hệ thống đo lường hiệu quả giảng dạy sẽ giúp trung tâm xác định được điểm mạnh và khả năng cần cải thiện của đội ngũ, từ đó thiết kế các khóa đào tạo hoặc ban hành chế độ thưởng, phạt cụ thể, thúc đẩy đội ngũ hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn.
Tuyển người đã khó, giữ người lại càng khó hơn. Nếu ví việc tuyển dụng một giáo viên như việc gieo trồng một cái cây, thì hành trình đào tạo sẽ là cơ hội để doanh nghiệp nuôi dưỡng cái cây đó cho đến khi thu được trái ngọt. “Tóm lại, một giáo viên có thể đi lâu dài với bạn nên là một người yêu nghề, có tâm với học sinh, và có một lối sống lành mạnh.”, diễn giả Giang Lê đúc kết.
ClassIn hy vọng rằng webinar đã đem đến cho các trung tâm, doanh nghiệp giáo dục, các nhà quản lý, quản trị nhân sự những góc nhìn thú vị và kinh nghiệm thực tiễn từ các diễn giả trong việc tuyển dụng, đào tạo và xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng!
Đừng quên theo dõi Fanpage của ClassIn để cập nhật những thông tin mới nhất về các sự kiện sắp tới!
Webinar trực tuyến “Bí quyết giúp trung tâm quản lý và đánh giá năng lực giáo viên” là sự kiện thuộc chuỗi webinar do ClassIn tổ chức, với mong muốn mang đến một không gian mở, nơi các chuyên gia hàng đầu và người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chia sẻ quan điểm, góc nhìn, và câu chuyện thực tế về ứng dụng giải pháp công nghệ để nâng cao trải nghiệm người học và hiệu quả hoạt động giáo dục.
Đăng ký tư vấn 1:1 miễn phí về chiến lược tuyển sinh (dành cho người quản lý, vận hành trung tâm giáo dục)
Liên hệ ngay ClassIn Vietnam – Giải pháp công nghệ tăng cường trải nghiệm tương tác cho mọi nhu cầu học tập & giảng dạy.
– Hotline: 028 7105 9900
– Email: vietnam@classin.com
Theo dõi các trang mạng xã hội chính thức của ClassIn Việt Nam để cập nhật thông tin giáo dục mới và hấp dẫn nhất:
– Website: https://classin.vn/
– Fanpage: https://www.facebook.com/classinvn/
– Cộng đồng ClassIn Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/classinvn
– Linkedln: https://www.linkedin.com/company/77118052/
– Youtube: https://www.youtube.com/@classinvietnam