Chuyển đổi số trong trường học Việt Nam đang thiếu tính hệ thống

TTO – Dạy học trực tuyến chỉ đơn thuần là việc “dịch chuyển” từ không gian trực tiếp sang không gian lớp học ảo, mà chưa phát huy được hết sức mạnh của chuyển đổi số trong giáo dục.

Đó là góc nhìn được nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra tại hội thảo khoa học quốc tế “Quản trị nhà trường trong xu thế toàn cầu hóa và chuyển đổi số” do Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM tổ chức ngày 16-12.

  • PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam - chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: TRỌNG NHÂNPGS.TS Chu Cẩm Thơ – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam – chia sẻ tại hội thảo – Ảnh: TRỌNG NHÂN

PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Viện Khoa học giáo dục Việt Nam – cho rằng trong thời gian dịch bệnh ảnh hưởng đến giáo dục, mặc dù hình thức dạy học đã được chuyển đổi, từ trực tiếp sang trực tuyến hoặc hình thức kết hợp, nhưng lại chưa có sự chuyển hóa cho phù hợp về nội dung dạy học, chưa có một phần mềm để hỗ trợ dạy học, quản lý nội dung dạy học và kiểm tra đánh giá.

Điều này khiến việc dạy học trực tuyến chỉ đơn thuần là việc “dịch chuyển” từ không gian trực tiếp sang không gian lớp học ảo, mà chưa phát huy được hết sức mạnh của công nghệ trong giáo dục.

Từ tháng 11-2021 đến tháng 8-2022, nhóm nghiên cứu của PGS.TS Chu Cẩm Thơ có những cuộc khảo sát với các giáo viên và quản lý ở 49 trường tại Hà Nội, Thái Nguyên, Phú Thọ, Thanh Hóa để tìm hiểu về hiện trạng cơ sở vật chất, đặc biệt liên quan đến chuyển đổi số, có thể đáp ứng ra sao cho chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kết quả khảo sát cho thấy 100% các trường khảo sát đều được trang bị mạng Internet, có nhân sự kiêm nhiệm phụ trách công nghệ thông tin, có sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, kiểm tra đánh giá.

Tuy nhiên, nhóm nhận thấy hầu hết là phần mềm miễn phí, chủ yếu liên quan đến việc giao bài tập về nhà. Các phần mềm không có kho học liệu để đồng bộ các hoạt động tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, ngữ liệu dạy học để sử dụng các phần mềm này là do giáo viên tự chuẩn bị và đưa lên, chưa có khâu kiểm soát từ phía nhà trường.

Các trường đều đang trong trạng thái chưa có hoặc đang trong quá trình xây dựng kho học liệu dùng chung. Việc tổ chức các khóa tập huấn cho giáo viên chủ yếu tập trung vào việc sử dụng các phần mềm cụ thể, chưa chú trọng đến trang bị kỹ năng, phương pháp để chuyển đổi số…

“Có thể thấy rằng chúng ta đã có đường hướng, yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục, nhưng chúng ta mới chỉ tập trung ứng dụng công nghệ thông tin vào những công việc cụ thể, thiếu tính hệ thống”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận định.

ThS Lê Thị Ngọc Mai – Trường đại học Sài Gòn – nêu góc nhìn về thói quen ngại thay đổi trong cách quản lý, trong phương pháp dạy học, sợ khó, sợ khổ là rào cản lớn khi thực hiện chuyển đổi số.

Theo bà Mai, một bộ phận lãnh đạo nhà trường, giảng viên cho rằng dạy học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh, nên không đầu tư thích đáng cho việc đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên cũng đã quen với cách học truyền thống, cho rằng học online thiếu hiệu quả, nên chưa thực sự tập trung.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Agustinus Hermino Superma – chuyên gia quản trị giáo dục tại Indonesia – cho rằng trong tình hình chuyển đổi số tác động đến các lớp học, trách nhiệm cho người giáo viên sẽ nặng nề hơn.

photo 1 1671181386896713303873 1671183731059908598823TS Agustinus Hermino Superma – chuyên gia quản trị giáo dục tại Indonesia – trình bày tham luận tại hội thảo – Ảnh: TRỌNG NHÂN

Giáo viên không chỉ cung cấp kiến thức mà cần xây dựng và hình thành cho học sinh linh hoạt, nhạy bén với sự thay đổi, tinh thần đổi mới.

“Các em sẽ luôn muốn tận dụng môi trường và sức mạnh tự nhiên để giải quyết vấn đề và làm chủ khoa học và công nghệ”, tiến sĩ Superma nói. “Một cách tiếp cận giáo dục với mô hình toàn diện là cần thiết”.

Tác giả: Trọng Nhân
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Chia sẻ bài viết này:

BÀI VIẾT GẦN ĐÂY