Ngày 24/3/2024 vừa qua, ClassIn đã góp mặt cùng L&D Mentor Institute và Gitiho tổ chức buổi hội thảo về Giáo dục và Đào tạo: L&D Talk mang chủ đề “Đo lường hiệu quả đào tạo dựa trên dữ liệu học tập”.
Sự kiện được tổ chức offline tại thành phố Hồ Chí Minh, thu hút sự tham gia của gần 30 anh chị đang công tác trong lĩnh vực L&D và trainer (nhà đào tạo) tại các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.
Sự kiện được dẫn dắt bởi chị Mai Phạm, CEO của MAI Training; trainer có chứng nhận ICF; cựu Quản lý Đào tạo & Phát triển tại Yola, Home Credit VN, Finizi, HDSaison; cùng anh Vũ Nguyễn, giám đốc điều hành của ClassIn Việt Nam, cựu quản lý khu vực của Yola, I Can Read. Với nội dung trọng tâm xoay quanh việc đẩy mạnh hiệu quả đào tạo dựa trên các chiến lược dữ liệu, các diễn giả đã cùng đào sâu, chia sẻ các phương pháp đo lường hiệu quả đào tạo một cách hiệu quả, cách sử dụng dữ liệu học tập để hiểu rõ hơn về nhu cầu, mong muốn và tiến độ học tập của nhân viên.
Xác định mục tiêu đào tạo cụ thể và chọn lựa các chỉ số đo lường phù hợp
Một quy trình đào tạo có thể được diễn ra căn bản theo các bước như phân tích nhu cầu đào tạo (1), thiết lập kế hoạch đào tạo (2), thiết kế chương trình (3), triển khai (4), đánh giá (5).
“Đối với nhiều doanh nghiệp, các sếp thường chỉ quan tâm bước Đánh giá, họ thậm chí còn không để tâm đến bước đầu tiên – thiết lập mục tiêu và kế hoạch đào tạo”, chị Mai Phạm chia sẻ. “Tuy nhiên, bước đầu tiên chính là bước quan trọng nhất quyết định thành bại của chương trình đào tạo. Phòng đào tạo cần xác định chính xác nhu cầu đào tạo để có thể đảm bảo quá trình đào tạo diễn ra hiệu quả và thực sự mang lại sự thay đổi.”
Để đảm bảo có thể đạt được dữ liệu chính xác, có thể đo lường, ngay từ bước Phân tích nhu cầu đào tạo – Training Needs Analysis (TNA), các nhà đào tạo cần xác định chính xác các chỉ số và các đo lường. Ví dụ, nếu doanh nghiệp đang muốn giải quyết vấn đề về năng lực của nhân viên, cái nhà đào tạo cần đo lường là kỹ năng của nhân viên tại thời điểm đo so với mong đợi. Nếu như muốn đo lường về hành vi, các nhà đào tạo cần phân tích từng tình huống cụ thể thay vì chỉ thực hiện các cuộc khảo sát, phỏng vấn thông thường.
“Chỉ qua những tình huống cụ thể, các nhà đào tạo mới có thể xác định chính xác các vấn đề về hành vi và cách thay đổi như thế nào”, chị Mai bổ sung thêm. Tương tự như vậy, nếu doanh nghiệp gặp vấn đề trong quy trình tổ chức, các nhà đào tạo phải xác định chính xác những vấn đề trong cách thức tổ chức của doanh nghiệp. Không phải vấn đề nào cũng thuộc phạm trù mà phòng đào tạo có thể giải quyết, việc xác định những vấn đề này sẽ định hướng chính xác để doanh nghiệp tìm cách khắc phục.
“Thực hiện TNA chuẩn chỉnh giúp nhà đào tạo xác định được nên thiết kế chương trình đào tạo theo cách nào, những hoạt động nào sẽ được áp dụng, tình huống nào sẽ được mang ra mổ xẻ trong chương trình đào tạo”.
Ứng dụng mô hình Kirkpatrick trong việc đánh giá hiệu quả đào tạo và nâng lên cấp độ 3- 4
Tại sự kiện, sau khi kết thúc một thử thách nho nhỏ dành cho người tham dự, chị Mai Phạm cũng đã đi qua các phương pháp đánh giá hiệu quả đào tạo và các cách để nâng cấp chất lượng đào tạo lên các cấp độ 3-4 theo mô hình Kirkpatrick.
Được phát triển bởi Donald Kirkpatrick, cựu Giáo sư danh dự tại Đại học Wisconsin, mô hình Kirkpatrick là một phương pháp đánh giá kết quả của các chương trình đào tạo và học tập được công nhận trên toàn cầu, dựa trên bốn cấp độ tiêu chí: phản ứng (reaction), học tập (learning), hành vi (behaviour) và kết quả (impact).
Theo mô hình này, mức độ đầu tiên nằm ở “phản ứng”, đo lường mức độ hấp dẫn, thuận lợi và khả năng ứng dụng của khoá đào tạo vào công việc của người học. Mức độ này thường được đánh giá bằng những cuộc khảo sát sau khóa đào tạo, yêu cầu nhân viên đánh giá kinh nghiệm của họ.
Cấp độ tiếp theo đánh giá mức độ Tiếp thu (Learning) – liệu người học có đạt được kiến thức, kỹ năng, thái độ, sự tự tin và cam kết với khóa đào tạo hay không. Việc học tập có thể được đánh giá thông qua cả phương pháp chính thức và không chính thức, và nên được đánh giá thông trước và sau khi học để xác định độ chính xác.
Phương pháp đánh giá có thể bao gồm các kỳ thi hay phỏng vấn, kiểm tra năng lực. Cấp độ 3 – đo lường Hành vi (Behaviour) – cũng là bước quan trọng nhất trong Mô hình Kirkpatrick – đánh giá liệu những người học có thực sự bị tác động bởi chương trình đào tạo hay không và liệu họ có áp dụng những gì đã học được hay không. Cấp độ này có thể được đo lường thông qua quan sát, phỏng vấn, các bài trắc nghiệm, bảng câu hỏi khảo sát…
Và cuối cùng, cấp độ 4 – Kết quả (Impact) sẽ đo lường hiệu quả trực tiếp của chương trình đào tạo, những tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Các chỉ số đo lường hiệu quả này cần được nhà đào tạo hoạch định từ trước cả khi bắt đầu đào tạo, để có hướng đào tạo đúng đắn.
“Để có thể đo lường chính xác, một lần nữa, việc xác định các mục tiêu đào tạo vô cùng quan trọng. Chỉ cần một mục tiêu đào tạo không chính xác, các chỉ số đo lường sẽ trở nên vô nghĩa”, chị Mai nhấn mạnh.
Hãy cố gắng nhận diện những hành vi có thể đo lường được, cụ thể hóa những tiêu chí người học có thể thay đổi sau quá trình đào tạo. Ví dụ, đối với việc bán hàng, khi đã nhận diện được hành vi thiếu tự tin của nhân viên bán hàng là yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, nhà đào tạo có thể mô phỏng các bước phù hợp của quá trình tương tác với khách hàng trong một tình huống liên lạc cụ thể, từ đó huấn luyện nhân viên có được kết quả tốt hơn.
Công cụ và kỹ thuật đo lường để đánh giá kết quả đào tạo một cách hiệu quả
“Để đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo, người huấn luyện có thể quan sát thái độ, hành vi của nhân viên để tìm hiểu xem họ có tâm đắc với chương trình đào tạo hay không”, anh Vũ chia sẻ. “Ở ClassIn, chúng tôi thường đo hiệu quả đào tạo dựa trên 3 tiêu chí: (1) Tỷ lệ nhân viên áp dụng vào công việc, (2) Tần suất áp dụng và (3) So sánh chỉ số. Nếu nhân viên áp dụng thường xuyên nhưng không liên tục, hoặc ngược lại, đội ngũ lãnh đạo cũng phải xác định xem lý do vì sao. Các chỉ số về chất lượng công việc trước và sau đào tạo vẫn là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá, sau khi đã xác định rõ ràng những mục tiêu đào tạo dành cho nhân viên. Quy trình của doanh nghiệp cũng cần tạo điều kiện để nhân viên có cơ hội được thực hành những kiến thức, kỹ năng đã học.”
Sau khi đã làm thành quy trình rõ ràng, đội ngũ quản lý cũng cần thiết kế các mẫu báo cáo, cấu trúc đồng bộ đảm bảo sao cho tất cả nhân viên đều sử dụng cùng một mẫu kế hoạch chung, dễ hiểu, chi tiết, không bỏ sót các hạng mục quan trọng. Điều này cũng sẽ giúp nhân viên, nhà quản lý tiết kiệm thời gian khi đọc hiểu, làm quen với các biểu mẫu mới.
Cuối cùng, đừng quá nóng vội! Trước khi bắt đầu thực hiện TNA hay thiết lập kế hoạch đào tạo, các nhà đào tạo, đội ngũ quản lý hãy xác định chính xác mục tiêu đào tạo, có thước đo cụ thể, định lượng được các chỉ số đo, và đừng nôn nóng quá nếu kết quả chưa được như mong đợi, bởi như anh Vũ có chia sẻ, “sự đầu tư nào cũng cần có thời gian sinh lời, và đầu tư vào kiến thức, kỹ năng còn là một hành trình dài hơi hơn”.
Trên đây là một vài điểm nổi bật trong L&D Talk “Đo lường hiệu quả đào tạo dựa trên dữ liệu học tập” vừa qua. ClassIn rất vinh dự được đồng hành cùng LDM đến với talkshow, và hy vọng đã mang đến sự kiện những góc nhìn thú vị cùng kinh nghiệm thực tiễn trong việc triển khai phương pháp đo lường, đánh giá, rút ra những thông tin giá trị để có những hướng đi đúng đắn trên hành trình phát triển chương trình đào tạo, phát triển cho các doanh nghiệp.
Xem lại toàn bộ webinar tại đây:
Đừng quên theo dõi Fanpage của ClassIn và tham gia Cộng đồng ClassIn Việt Nam để cập nhật những thông tin mới nhất về các sự kiện sắp tới!
Đăng ký tư vấn 1:1 miễn phí về chiến lược nâng cao chất lượng đào tạo với dữ liệu (dành cho người quản lý, vận hành trung tâm giáo dục, doanh nghiệp)
Liên hệ ngay ClassIn Vietnam – Giải pháp công nghệ tăng cường trải nghiệm tương tác cho mọi nhu cầu học tập & giảng dạy.
– Hotline: 028 7105 9900
– Email: vietnam@classin.com
Theo dõi các trang mạng xã hội chính thức của ClassIn Việt Nam để cập nhật thông tin giáo dục mới và hấp dẫn nhất:
– Website: https://classin.vn/
– Fanpage: https://www.facebook.com/classinvn/
– Cộng đồng ClassIn Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/classinvn
– Linkedln: https://www.linkedin.com/company/77118052/
– Youtube: https://www.youtube.com/@classinvietnam
– Zalo OA: https://zalo.me/969532060235254254