Quản lý giáo dục (Education Management) là một chủ đề rất được quan tâm hiện nay, bởi đây là ngành có vai trò quan trọng trong việc xây dựng một nền giáo dục hiện đại và chuyên nghiệp. Trong bài viết này, ClassIn sẽ giới thiệu tất tần tật về Quản lý giáo dục để thầy cô có một cái nhìn tổng quan nhất về ngành này.
>>> Xem thêm: Hệ thống quản lý học tập là gì? 5 tính năng nổi bật của hệ thống quản lý học tập
Quản lý giáo dục là gì?
Giáo dục được Nhà nước quản lý thông qua tập hợp các tác động hợp quy luật được thể chế hóa bằng pháp luật của chủ thể quản lý, nhằm tác động đến các phân hệ quản lý để thực hiện mục tiêu giáo dục mà kết quả cuối cùng là chất lượng, hiệu quả đào tạo thế hệ trẻ.
Khái niệm quản lý giáo dục tương đối rộng và được trình bày theo nhiều quan niệm khác nhau. Theo định nghĩa của một số tác giả về quản lý giáo dục như sau:
QLGD là tác động có hệ thống, có kế hoạch, có ý thức và hướng đích của chủ quản lý ở các cấp khác nhau, đến tất cả các mắt xích của hệ thống (từ Bộ đến trường) nhằm mục đích đảm bảo việc hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ trên cơ sở nhận thức và vận dụng những quy luật chung của xã hội cũng như các quy luật của quá trình giáo dục, của sự phát triển thể lực và tâm lý trẻ em.
Theo M.I.Kondacop, [21;124].
Quản lý nhà trường là thực hiện đường lối của Đảng trong phạm vi trách nhiệm của mình, tức là nhà trường vận hành theo nguyên lý giáo dục để tiến tới mục tiêu giáo dục, mục tiêu đào tạo đối với ngành giáo dục, với thế hệ trẻ và với từng học sinh…
Theo Phạm Minh Hạc, [16].
Quản lý là hệ thống những tác động có mục đích, có kế hoạch hợp quy luật của chủ thể quản lý nhằm làm cho hệ vận hành theo đường lối và nguyên lý giáo dục của Đảng, thực hiện được các tính chất của nhà trường Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà tiêu điểm hội tụ là quá trình dạy học, giáo dục thế hệ trẻ, đưa giáo dục tới mục tiêu dự kiến, tiến lên trạng thái mới về chất.
Theo Nguyễn Ngọc Quang, [30].
Bên cạnh đó, quản lý giáo dục cũng là một ngành học được đào tạo ở các trường đại học. Đây là ngành học có nhu cầu xã hội cao trong bối cảnh giáo dục Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế và nhu cầu tham gia các hoạt động giáo dục của người dân tăng cao.
Tóm lại, Quản lý giáo dục – Educational Management là một hệ thống các quy luật của các cấp quản lý khác nhau đến tất cả các khâu của hệ thống giáo dục nhằm đảm bảo sự vận hành một cách bình thường của các cơ quan trong ngành giáo dục – đào tạo, đảm bảo bảo hệ thống được phát triển tốt nhất về cả số lượng, chất lượng.
Đặc điểm của Quản lý giáo dục
Quản lý giáo dục vừa có những đặc điểm chung của quản lý vừa có những đặc điểm của riêng lĩnh vực quản lý giáo dục:
Đặc điểm chung của quản lý
- Quản lý giáo dục luôn chia thành các chủ thể quản lý và những đối tượng bị quản lý. Chủ thể quản lý ở các cấp là bộ máy quản lý giáo dục từ Trung Ương cho tới địa phương. Đối tượng quản lý là nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở vật chất và kỹ thuật. Các hoạt động thực hiện về chức năng của giáo dục đào tạo.
- Quản lý giáo dục có sự liên quan tới việc trao đổi nguồn thông tin và có mối liên hệ ngược.
- Quản lý giáo dục luôn biến đổi phù hợp với điều kiện thích nghi.
- Quản lý giáo dục vừa mang tính khoa học, vừa là một nghề và một nghệ thuật.
- Quản lý giáo dục luôn gắn liền với quyền lực, lợi ích cũng như danh tiếng.
Đặc điểm đặc thù của quản lý giáo dục
- Quản lý giáo dục là hoạt động điều hành và giáo dục con người, đặc biệt là lao động sư phạm của mỗi nhà giáo.
- Quyền lực nhà nước trong việc điều hành quản lý giáo dục đó chính là điều chỉnh về những hoạt động trong giáo dục thông qua quá trình xây dựng, ban hành và chấp hành một số văn bản như luật, điều lệ những quy định hoặc quy chế chuyên môn trong ngành sư phạm.
- Các sản phẩm của giáo dục thường gắn liền với sự hình thành và phát triển về nhân cách của người học. Vì thế quản lý giáo dục cần phải chú trọng trong việc phát hiện và phòng tránh các sai sót có thể xảy ra.
- Quản lý giáo dục luôn đi kèm với sự phát triển của các quan điểm trong quần chúng, xã hội.
- Hoạt động quản lý giáo dục luôn mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc.
Vai trò của quản lý giáo dục
Quản lý giáo dục đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống đào tạo của quốc gia hiện nay:
- Quản lý giáo dục giúp tạo ra được sự thống nhất về ý chí và hành động của giáo viên, học sinh trong tổ chức giáo dục. Khi có sự thống nhất cao thì tổ chức giáo dục hoạt động mới đạt được hiệu quả tốt.
- Giúp định hướng cho sự phát triển của tổ chức giáo dục dựa vào cơ sở xác định các mục tiêu chung và luôn hướng mọi nỗ lực của giáo viên, học sinh và tổ chức cùng tham gia thực hiện một mục tiêu chung.
- Phối hợp một cách nhịp nhàng giữa các giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên và toàn bộ nguồn lực trong tổ chức (vật chất, tài chính, thông tin,…) để có thể đạt được các mục tiêu của tổ chức đã đề ra với một hiệu quả cao nhất.
- Giúp cho tổ chức giáo dục có thể thích nghi được với sự biến đổi trong môi trường. Đồng thời nắm bắt và tận dụng một cách tốt nhất về những cơ hội và thách thức, giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực xảy ra từ môi trường.
- Trên cơ sở lý luận chung có thể thấy được rằng hoạt động quản lý giáo dục giữ vai trò quan trọng trong việc điều phối hoạt động của giáo viên và hoạt động của học sinh để có thể đạt được những hiệu quả cao nhất trong việc hình thành một nhân cách tốt cho học sinh.
Trên đây là những thông tin về quản lý giáo dục – education management. Hi vọng thầy cô đã hiểu rõ hơn về định nghĩa, đặc điểm chung cũng như đặc điểm đặc thù và vai trò của quản lý giáo dục.
>>> Xem thêm: Blended Learning có gì hay? 4 ưu điểm của Blended Learning